Xuất nhập khẩu năm 2021: Chủ động hơn để giảm thiểu nguy cơ
Bài học của Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của chúng ta cũng cần phải lên phương án chủ động hơn nữa, toàn diện hơn nữa trước những yếu tố bất ổn khác nhau để có thể giảm thiểu được thiệt hại cũng như vươn lên và nắm bắt được những cơ hội từ các yếu tố nguy cơ.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Công Thương.
Tình hình xuất nhập khẩu quý đầu năm đã hoàn thành với những kết quả rất khả quan. Xin ông cho biết điều gì đã cho xuất nhập khẩu của ta có được kết quả như vậy?
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố thì hoạt động xuất nhập khẩu quý 1/2021 đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó xuất khẩu tăng trưởng hơn 22% và nhập khẩu tăng trưởng 26%, con số xuất siêu là khoảng hơn 2 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương |
Chúng ta cũng thấy rằng hiện nay thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh covid-19. Và với tác động như vậy cộng thêm những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, hay việc tăng giá cước tàu biển tàu biển và gần đây nhất là sự cố của kênh đào Suez… Thì chúng ta cũng thấy rằng hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta đạt được giá trị như vậy là nhờ những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, cộng với sự hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, các địa phương. Đặc biệt là chúng ta cũng đã tận dụng được các ưu thế của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế - khi chúng ta đã có các hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định tự do với Vương Quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định CPTPP và sắp tới là với RCEP.
Cụ thể, với thị trường EU thì chúng ta có một thuận lợi là một số các mặt hàng hiện vẫn đang được hưởng quy chế về GSPlà những ưu đãi mà EU đã dành cho các sản phẩm của Việt Nam nhiều năm. Tuy nhiên, về lâu dài thì việc chúng ta tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mới là một ưu đãi mang tính chất bền vững và bình đẳng. Và đặc biệt là nhiều mặt hàng chúng ta có lợi thế thì chúng ta cũng sẽ cóđược các ưu thế về việc tận dụng các nguồn gốc xuất xứ cộng gộp trong EVFTA. Ví dụ như đối với mặt hàng dệt may chúng ta có thể cộng gộp nguồn nguyên liệu vải Hàn Quốc, đây cũng là những thuận lợi mà chỉ có Hiệp định EVFTA mới có thể đem lại.
Việc các doanh nghiệp của chúng ta có thể tận dụng được các lợi ích của hiệp định trước hết chính là từ việc chúng ta hiểu rõ hiệp định có thể mang lại những thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, trong những mặt hàng của mình, qua đó chúng ta có thể thay đổi được quy trình sản xuất, thay đổi được nguồn cung nguyên liệu, qua đó đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và có thể được hưởng mức thuế thấp mà hiệp định mang lại.
Tất cả các mặt hàng của chúng ta đều có mức tăng trưởng khá ở các thị trường và trong đó có các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo. Số liệu nhập khẩu trong quý đầu năm cũng tăng khá cao (tới hơn 26%). Điều này cũng cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng ta cũng đã có được nhịp đà tốt hơn. Vậy ông có thể cho biết cụ thể các hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như thế nào?
Đúng là tăng trưởng xuất nhập khẩu của quý 1 đạt được những con số rất khả quan. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào từng ngành cụ thể thì kết quả đó cũng có những sự khác biệt. Hiện nay những mặt hàng như hàng điện tử, điện gia dụng, đồ gỗ nội thất là những mặt hàng đang được hưởng lợi cũng như có tác động tương đối tích cực do nhu cầu tăng cao ở các thị trường khu vực châu Âuvà Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, những ngành hàng như dệt may, da giày thì có thể nói khó khăn vẫn còn đang rất lớn, mà đặc biệt là những tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Nó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, không phải chỉ ở nguồn cung mà còn tác động ngay trong cả các chuỗi vận hành của các chuỗi hoạt động Logistic. Điều đó cũng cho thấy tăng trưởng về xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có nhóm ngành hàng công nghiệp vẫn đang có những yếu tố khác biệt mà chúng ta cần phải xem xét kỹ và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho những ngành hàng chịu tác động lớn của dịch bệnh.
Từ các kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu quý đầu năm này, ông có những khuyến cáo cụ thể như thế nào tới doanh nghiệp cũng như tới hoạt động xuất nhập khẩu chung để chúng ta có thể có đạt được giá trị xuất nhập khẩu như đã đặt ra trong năm 2021?
Chúng ta cũng thấy hoạt động thương mại trong bối cảnh hiện nay chịu tác động của rất nhiều các yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường. Chính vì vậy việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các doanh nghiệp.
Năm 2020 các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua những biến động rất lớn và cũng đã thể hiện được khả năng của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan truyền trên khắp thế giới.
Tuy nhiên đấy chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ bất ổn có thể tác động xấu đến hoạt động kinh doanh. Bài học của Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp của chúng ta cũng cần phải lên phương án chủ động hơn nữa, toàn diện hơn nữa trước những yếu tố bất ổn khác nhau để có thể giảm thiểu được thiệt hại cũng như vươn lên và nắm bắt được những cơ hội từ các yếu tố nguy cơ như vậy.
Riêng về vấn đề logistics, ngoài việc thiếu container và cước tàu biển liên tục tăng cao từ cuối năm 2020 đến nay thì sự cố tại kênh đào Suez một lần nữa cho ta thấy vai trò quan trọng của logistics trong hoạt động ngoại thương. Ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp để hóa giải những khó khăn về logistics hiện nay?
Cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao, sự cố tại Kênh Suez cho thấy vai trò thiết yếu của logistics trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh... chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, đứt gãy bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu.
Doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường, đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.
Đối với tuyến vận tải Á - Âu, doanh nghiệp nên xem xét, tận dụng phương án vận chuyển đường sắt liên vận. Với thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang đến Đức chỉ vào khoảng 29-30 ngày và chi phí chỉ nhỉnh hơn so với mức cước tàu biển ở thời điểm này, đây là một lựa chọn thích hợp trong bối cảnh hiện nay.
Một lần nữa, cần nhắc đến bảo hiểm. Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn coi nhẹ vai trò của bảo hiểm, coi bảo hiểm là chi phí chứ không phải là công cụ phòng ngừa rủi ro. Những biến động gần đây buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách nghĩ này.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan (thực hiện)
Nguồn: congthuong.vn