Ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại
Vụ việc phòng vệ thương mại gia tăng nhanh
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh qua từng năm.
Nếu như năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt hơn 30 tỷ USD thì năm 2011 đã đạt 200 tỷ USD; năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD. Về xuất khẩu của nước ta đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên hơn 96 tỷ USD vào năm 2011, và đạt 336 tỷ USD vào năm 2021.
Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Xuất khẩu đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cán cân thương mại hàng hóa đã có thặng dư, năm sau cao hơn năm trước.
Bộ Công Thương đang đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững cho hàng hoá Việt Nam. |
Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.
Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương cho biết, trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết quý I năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung và khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm
Khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, với chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất.
Tuy nhiên, điều này khiến xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.
Đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như ảnh hưởng đến ngành hàng liên quan và các doanh nghiệp sản xuất/ xuất khẩu chân chính, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.
Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 824 năm 2019 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119 năm 2019 về một số biện pháp cáp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Để triển khai Đề án 824, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.
Kết quả tích cực
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7 năm 2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ôtô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men.
Theo Bộ Công Thương, thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Trong đó, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hợp tác về chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ với các cơ quan liên quan của nước ngoài, đề xuất một số ý tưởng như Cơ chế đăng ký xuất khẩu tự nguyện nhằm tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin của Việt Nam với các nước trong việc xử lý vấn đề này, nâng cao uy tín và thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh chống lẩn tránh thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).
Theo Bộ Công Thương, các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu. Ví dụ, trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc 110%.
Bên cạnh danh sách cảnh báo sớm, nhằm giúp doanh nghiệp và hiệp hội hiểu rõ hơn về quy định điều tra chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về phòng vệ thương mại đến các doanh nghiệp trong ngành nhằm ngăn chặn từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác và việc tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Nguồn: ndh.vn