Trước khi có chỉ đạo ưu tiên trong nước, Formosa, Hòa Phát, Hoa Sen... đã xuất khẩu bao nhiêu tấn thép?
Trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán ra nước ngoài gần 2,2 triệu tấn thép thành phẩm, tương đương 23% tổng sản lượng tiêu thụ.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá thép xây dựng đầu tháng 5/2021 bình quân khoảng 16,5 triệu đồng/tấn, tăng 11% so với tháng 2 và cao hơn tới 51% so với đáy hồi tháng 7/2020.
Từ 18/2 đến 4/5/2021, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại cảng Đông Á cũng tăng khoảng 40%, từ 663 lên 925 USD/tấn.
Việc giá thép tăng nóng trong những tháng qua đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận cũng như các cơ quan hữu quan.
Bộ Công Thương đề nghị VSA và các doanh nghiệp thành viên tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành thép, tránh hiện tượng găm hàng đẩy giá.
Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp có biện pháp tăng cường sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép mà trong nước đang có nhu cầu.
Xuất khẩu 2,2 triệu tấn thép
Trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thành viên VSA đã sản xuất tổng cộng 10,48 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiêu thụ đạt 9,48 triệu tấn, tăng 40%. Trong đó, tiêu thụ trong nước là khoảng 7,32 triệu tấn, tăng 34%; sản lượng xuất khẩu là gần 2,2 triệu tấn tăng gần 68% so với 4 tháng đầu 2020.
Với mặt hàng thép thô, các doanh nghiệp đã tiêu thụ 6,73 triệu tấn, trong đó xuất khẩu là 897.000 tấn, chiếm 13,3%.
Thép thô – hay còn gọi là phôi thép – là sản phẩm đầu tiên từ lò luyện, cần trải qua thêm quá trình cán để trở thành các loại thép phù hợp với từng nhu cầu sử dụng.
Ví dụ, phôi dẹt được cán ra thành thép cuộn cán nóng (HRC) làm đầu vào cho nhà máy sản xuất tôn và ống thép; phôi vuông dùng để làm thép xây dựng, ...
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thép thô đều giữ lại cho mình để chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, lượng phôi thép xuất khẩu cũng như bán cho đối tác trong nước là tương đối nhỏ.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Formosa Hà Tĩnh là hai doanh nghiệp dẫn đầu mảng thép thô với sản lượng tiêu thụ lần lượt là 2,8 triệu tấn và 2,2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu tương ứng là 508.000 tấn và 337.000 tấn.
Các doanh nghiệp khác như Vina Kyoei, Posco, Pomina, Khối /V/ - Thép Miền Nam có công suất tương đối nhỏ và hầu như không xuất khẩu phôi thép.
Với mặt hàng HRC, Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất được là Hòa Phát và Formosa với sản lượng tiêu thụ 4 tháng đầu năm tương ứng là 878.000 tấn và 1,57 triệu tấn. Trong đó Hòa Phát chỉ tiêu thụ trong nước còn Formosa xuất khẩu 451.000 tấn.
Đầu tháng 5 này, đại diện Hòa Phát cho biết giá HRC trong nước hiện vẫn đang khá thấp khi so với giá 1.500 USD/tấn ở Mỹ và 1.200 USD/tấn châu Âu. Hòa Phát khẳng định đang bán HRC với giá dưới 1.000 USD/tấn và chưa có kế hoạch xuất khẩu, chỉ ưu tiên thị trường nội địa.
Với sản phẩm thép xây dựng, các doanh nghiệp đã tiêu thụ tổng cộng gần 3,71 triệu tấn, tăng 16% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 552.000 tấn, chiếm 14,9%.
Tập đoàn Hòa Phát tiêu thụ 1,28 triệu tấn thì có 220.000 tấn xuất khẩu, chiếm 17%. Formosa Hà Tĩnh và Khối /V/ - Thép Miền Nam đều xuất khẩu trên 70.000 tấn.
Ở mặt hàng ống thép, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu khoảng khoảng 90.000 tấn, tương đương 10,2% tổng sản lượng bán hàng 4 tháng qua.
Tập đoàn Hòa Phát chiếm 31% thị phần nhờ sản lượng 271.000 tấn, trong đó chỉ có chưa đầy 10.000 tấn xuất khẩu. Doanh nghiệp bán nhiều ống thép ra nước ngoài nhất trong 4 tháng đầu năm nay là TVP với sản lượng 35.000 tấn.
Tôn mạ là mảng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nhiều nhất. Trong tổng tiêu thụ gần 1,63 triệu tấn, xuất khẩu chiếm tới gần 56%. Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) dẫn đầu cả về tổng thị phần lẫn sản lượng xuất khẩu, theo sau là Thép Nam Kim (Mã: NKG), Tôn Đông Á, TVP và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).