Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu thép góp phần chia rẽ Thị trường thế giới ???
Với sản lượng nhập khẩu thép nhiều từ Trung Quốc, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc Trung Quốc sẽ tăng thuế xuất khẩu trong thời gian sắp tới. SGC xin trích dẫn bài viết liên quan từ nguồn NDH, đồng thời gửi Quý Khách Hàng tham khảo biểu thuế xuất của một số mặt hàng:
Trong tháng 6, Trung Quốc sản xuất 93,9 triệu tấn thép, chiếm 56% sản lượng của thế giới.
Khối lượng thép Việt Nam nhập từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm chiếm 51,3% tổng lượng thép nhập khẩu.
Giá thép nội địa của Ấn Độ rẻ hơn từ 20% đến 25% so với thép nhập khẩu.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc, từ ngày 1/8, Trung Quốc có một số điều chỉnh về thuế xuất khẩu thép. Theo đó, thuế xuất khẩu đối với gang có độ tinh khiết cao sẽ được nâng lên 20%, từ mức 15% trước đó; đối với ferrochrome sẽ tăng lên 40%, từ mức 20% hiện nay. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ hủy bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu đối với 23 sản phẩm, bao gồm một số loại thép cán nguội và thép silic có giá trị gia tăng cao hơn so với thép carbon.
Đây là lần điều chỉnh thuế sắt thép thứ 2 trong vòng 3 tháng trở lại đây, trong bối cảnh giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải đã tăng lần lượt 32% và 37% từ đầu năm đến nay.
Trung Quốc là nước sản xuất nhiều thép nhất thế giới. Trong tháng 6, sản lượng thép toàn cầu là 167,9 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc sản xuất 93,9 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng của thế giới. Năm 2020, sản lượng thép ở nước đông dân nhất thế giới là 1,054 tỷ tấn, chiếm 56,5% sản lượng trên thế giới. Do đó, việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu thép sẽ có tác động đến thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam sẽ phải mua thép với giá cao hơn, giá vật liệu xây dựng sẽ tăng
Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 7,1 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương 5,79 tỷ USD với giá trung bình 815,2 USD/tấn, tăng 5,9% về khối lượng, 43,9% về kim ngạch và 35,9% về giá so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu sắt thép nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt 3,64 triệu tấn, tương đương 2,83 tỷ USD với giá trung bình 776,4 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020 với các mức tương ứng 60,9%, 106,2 và 28%. Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chiếm 51,3% trong tổng khối lượng và chiếm 48,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của Việt Nam.
Riêng tháng 6, nhập khẩu sắt thép từ thị trường này là 515.344 tấn, đạt kim ngạch 527,7 triệu USD. Khối lượng, kim ngạch, giá sắt thép lần lượt tăng 3%, 11,8% và 8,5% so với tháng 5. Sắt thép từ Trung Quốc chiếm 51,3% trong tổng khối lượng thép nhập khẩu và 48,9% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Trao đổi với chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu với thép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam do khối lượng nhập khá lớn. Giá thép nhập khẩu cao đẩy giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến tác động đến ngành xây dựng bất động sản.
“Khó có nguồn cung nào vừa dồi dào, vừa rẻ, lại gần Việt Nam hơn Trung Quốc. Nếu tìm nguồn khác thì sẽ phải hy sinh 3 lợi ích trên”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu thép khiến nguồn cung quốc tế bị thắt chặt nhưng doanh nghiệp Ấn Độ hưởng lợi
Không chỉ tăng thuế, Trung Quốc còn siết nguồn cung thép khi duy trì mục tiêu sản xuất sắt thép năm 2021 không được vượt quá mức năm 2020. Giữa lúc giao thương quốc tế bị đình trệ một phần do tác động của đại dịch Covid-19, khó khăn về vận tải hàng hải do thiếu container và tàu, động thái đơn phương của nhà sản xuất sắt thép hàng đầu thế giới gây thêm những khó khăn cho ngành này
Trên thực tế, sản lượng thép của Trung Quốc tăng 11,8% trong nửa đầu năm nay do nhu cầu nội địa Trung Quốc và quốc tế tăng, theo thông tin từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC). Số liệu nửa đầu năm nay khiến mục tiêu sản lượng thép năm nay bằng 2020 rất thách thức, buộc sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2020.
Theo đánh giá của ông Tang Chuanlin, nhà phân tích của CITIC Securities, ngành công nghiệp này có thể thiếu hụt khoảng 5% nguồn cung cho năm 2021, và thế giới phải chuyển hướng nhập khẩu sang các quốc gia có nguồn cung dồi dào khác. Khi đó, Ấn Độ có thể là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Giá thép tự sản xuất của Ấn Độ thấp hơn khoảng từ 20% đến 25% so với thép nhập khẩu vào nước này. Do đó, các doanh nghiệp Ấn Độ bắt đầu thâm nhập thị trường xuất khẩu bằng cách bán giá thấp hơn và tăng tỷ trọng bán thép thành phẩm. Trong tháng 6 vừa qua, Ấn Độ sản xuất 9,4 triệu tấn thép, chiếm 5,5% sản lượng toàn cầu, xếp thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
“Việc áp thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ giúp các nhà xuất khẩu thép của Ấn Độ thu được nhiều lợi nhuận”, một nhà phân tích khác của CITIC Securities bình luận.
Nguồn tin: NDH