Giỏ hàng

Giá sắt thép tiếp tục tăng khắp nơi trên thế giới

** Giá sắt thép có xu hướng tăng trở lại, SGC xin trích dẫn thông tin từ bài báo dưới đây:

Giá sắt thép tiếp tục tăng khắp nơi trên thế giới - Nguồn: Nhipsongkinhte

Giá thép và nguyên liệu sản xuất thép tiếp tục hồi phục mạnh sau đợt giảm giá vừa qua do nhu cầu mạnh.

Tại Trung Quốc, nhà đầu tư hy vọng Chính phủ sẽ nới lỏng những hạn chế đối với sản xuất thép.

Kết quả là giá quặng sắt giao ngay tăng, thúc đẩy giá các hợp đồng kỳ hạn tương lai tăng theo. Quặng kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên ngày 2/6 kết thúc phiên ở mức tăng 2,8% so với phiên liền trước, tiếp tục xu hướng đi lên từ mấy phiên gần đây, đạt 1.169 CNY (182,95 USD)/tấn, trong phiên có lúc tăng 4,8% lên 1.192 CNY/tấn. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu kỳ giao ngay tại cảng biển Trung Quốc phiên 01/6 tăng 6 USD lên 206,5 USD/tấn.

Tương tự, giá thép phế, cfr Trung Quốc, tại cảng biển miền Đông nước này ngày 2/6 là 500 – 515 USD/tấn, tăng 5 USD so với mức 500 – 510 USD/tấn ở phiên liền trước. Nhu cầu từ khách hàng đối với thép phế đang tăng mạnh. Do đó, giá thỏa thuận thép phế cfr miền Bắc Trung Quốc đã lên tới 520 USD/tấn, tương đương mức 510 USD/tấn cfr miền Đông nước này. Tuy nhiên, mức giá chào bán khá cao nên số lượng hợp đồng giao dịch không nhiều.

Giá thép cũng tiếp nối chuỗi phiên tăng giá. Theo đó, thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 2/5 tăng 0,5% và lại vượt 5.002 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng (HCR) tăng 0,8% lên 5.305 CNY/tấn, và thép không gỉ tăng 0,8% lên 16.125 CNY/tấn.

Tại Mỹ, các nhà máy thép đã đẩy giá thép cuộn cán nóng xuất xưởng lên 1.600 USD/tấn ngắn (khoảng 907,18474 kg), trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ. Số liệu của Argus cho thấy, giá thép cuộn cán nóng nội địa bán ở khu vực Midwest tuần này đã tăng 35 USD/tấn ngắn lên 1.645 USD; tại phía nam tăng thêm 37,5 USD lên 1.637,5 USD/tấn ngắn.

Giá thép cuộn cán nguội (CRC) nội địa Mỹ hàng tuần được Argus báo tăng 27 USD lên 1.822 USD/tấn ngắn, trong khi thép mạ kẽm nhúng nóng tăng 43,50 USD lên 1.831 USD/tấn ngắn; giá thép tấm nội địa tăng 4 USD lên 1.482,25 USD/tấn ngắn.

Đối với các hợp đồng kỳ hạn, giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 7 tăng 53 USD/tấn lên 1.648 USD/tấn ngắn, trong khi giá kỳ hạn tháng 8 tăng 45 USD lên 1.570 USD/tấn ngắn; kỳ hạn tháng 9 tăng 75 USD lên 1.505 USD/tấn ngắn, trong khi giá tháng 10 tăng 40 USD lên 1.400 USD/tấn ngắn; tháng 11 tăng 53 USD lên 1.335 USD/tấn ngắn.

Giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Houston tăng 14,25 USD USD lên 1.486,75 USD USD/tấn ngắn do giá toàn cầu tiếp tục tăng.

Giá sắt thép tiếp tục tăng khắp nơi trên thế giới - Ảnh 1.

Tại Nga, giá thép ổn định ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Giá thép tấm cán nóng (HR) từ tháng 6 này được Magnitogorsk Iron & Steel Works (MMK) bán ở mức 105.000 rouble (1.430 USD)/tấn, nhưng một số nguồn tin cho biết nhà máy đã hết hàng để bán. Trong khi đó, Severstal chào bán thép tấm cán nóng cho các thương nhân ở mức 104.000 rouble/tấn.

Hiện Nga đang xem xét khả năng đánh thuế bổ sung đối với các nhà sản xuất thép trong năm nay. Nếu áp dụng thì các nhà sản xuất kim loại đen ở nước này sẽ phải thanh toán 100 tỷ rouble (1,4 tỷ USD) thuế bổ sung cho Chính phủ trong năm 2021, các nhà sản xuất kim loại cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng.

Đây là một phần của nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề giá nguyên liệu ở Nga tăng mạnh, khiến Moscow lo ngại chi phí nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quốc phòng và xây dựng sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến sự ổn định giá cả trên toàn đất nước. Đồng thời, Nga cũng đang xem xét đề xuất mua các sản phẩm thép để dự trữ quốc gia.

Một số nhà sản xuất thép như Evraz và Metalloinvest đã và đang cung cấp đường ray xe lửa và các sản phẩm thép khác cho các dự án của Nhà nước với giá thấp hơn giá thị trường.

Tại Ấn Độ, các công ty thép trong nước đang có kế hoạch tăng giá thêm 3.250 Rs/tấn đối với thép HRC, 5.000 Rs đối với thép CRC/GP và 10.000 Rs đối với các sản phẩm thép phủ màu, có thể áp dụng ngay trong tháng 6 này.

Tại Hàn Quốc, Posco, Hyundai Steel và các nhà sản xuất thép lớn khác của Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với các công ty sản xuất ô tô là Hyundai Motor Co. và Kia Corp. về việc nâng giá thép tấm dùng trong sản xuất ô tô thêm 50.000 won (44,93 USD)/tấn. Lần tăng giá gần đây nhất của các hãng này là vào nửa cuối năm 2017.

Tại Việt Nam, sau giai đoạn giá thép được giữ ổn định thì một số doanh nghiệp bắt đầu nâng giá bán. Theo đó, giá sản phẩm tôn mạ kẽm của Thép Hòa Phát được điều chỉnh tăng thêm 300đ/kg từ ngày 1/6; Tôn Hoa Sen tăng giá mặt hàng tôn mạ (không bao gồm Tôn Hoa Sen gold); thép dày mạ; ống thép mạ kẽm thêm 300đ/kg trên phạm vi toàn quốc (chưa bao gồm 10% VAT); và thép Sendo cũng điều chỉnh tăng giá thêm 300đ/kg áp dụng từ ngày 1/6 (đã bao gồm VAT); Thép Nam Kim cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng ống thép mạ kẽm, thép V mạ kẽm…

Triển vọng thị trường sắt thép sẽ không nguội lạnh nhanh do nhu cầu thép vẫn mạnh, mặc dù sản lượng quặng sắt cũng tăng lên.

GlobalData, công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới, nhận định sản lượng quặng sắt toàn cầu giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng trung bình 3,7%/năm, lên 2.663,4 triệu tấn, sau khi giảm trong năm 2020 (giảm 3%) xuống 2,2 tỷ tấn. Mức tăng đó có được là nhờ các dự án lớn khai thác quặng sắt dự kiến sắp đi vào hoạt động ở Australia, Nam Phi và Brazil.

Trong khi đó, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm 2021, đạt 1.874,0 triệu tấn, sau khi giảm 0,2% trong năm 2020; sau đó tăng tiếp 2,7% lên 1.924,6 triệu tấn trong năm 2022.

Theo Worldsteel, trong những năm tới, nhu cầu thép dự báo sẽ phục hồi vững chắc, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, được hỗ trợ bởi nhu cầu bị dồn nén đến lúc bung ra và các chương trình của các chính phủ nhằm kích thích kinh tế hồi phục trở lại. Tuy nhiên, đối với hầu hết các nền kinh tế phát triển, cần phải mất vài năm để nhu cầu thép trở lại mức trước đại dịch.

Lĩnh vực ô tô đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ việc gia tăng mạnh sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân để tránh lây nhiễm Covid-19 và tiết kiệm ngân sách cho các gia đình. Sự hồi phục sẽ đặc biệt mạnh ở Mỹ, với sản lượng ô tô năm 2021 sẽ vượt năm 2020. Ngành ô tô toàn cầu đến năm 2022 dự báo sẽ hồi phục trở lại như mức của năm 2019.

Tham khảo: Metalbulletin, Argusmedia, Moneycontrol

Nguồn: Nhipsongkinhte