Giá thép khó giảm do cầu tăng mạnh
Lượng thép xuất khẩu đã tăng kỷ lục trong 4 tháng, nhưng về tổng thế, ngành thép vẫn đang nhập siêu hơn 1 tỷ USD.
Xuất khẩu thép tăng mạnh:
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về tình hình thị trường thép tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tăng khá so với những nhận định trước đó.
Sản lượng thép xuất khẩu đạt 3,822 triệu tấn, trị giá 2,67 tỷ USD, tăng lần lượt 47% và 87,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép cũng tăng 20,9%, đạt 1,216 tỷ USD.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép, trong đó có 18 triệu tấn quặng sắt, 6-6,5 tiệu tấn thép phế liệu, 6,5 triệu tấn than mỡ luyện cốc, 10.000 tấn điện cực graphite.
(Nguồn Bộ Công thương)
Thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã 40-45% so với quý IV/2020. Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng. Trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn từ nguồn nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất đầu vào, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Tổng giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim (NKG), ông Võ Hoàng Vũ thừa nhận, tình hình kinh doanh ngành thép hiện thuận lợi, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đối với mảng xuất khẩu, nhu cầu thép tôn tại châu Âu, Bắc Mỹ đang rất tốt, thậm chí là thiếu nguồn cung. Giá bán tại châu Âu, Bắc Mỹ cũng đang cao hơn so với khu vực châu Á.
“Giá thép tăng liên tục vì đang thiếu cung, cùng với đó là giá nguyên liệu tăng cao. Nhìn trung và dài hạn, nhu cầu thép đang tốt lên, đặc biệt Mỹ và châu Âu có tình trạng thiếu cung. Có những đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) đặt giao hàng đến tháng 11 mới có”, ông Võ Hoàng Vũ cho hay.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VCB (VCBS), xuất khẩu thép đang có cơ hội tăng trưởng mạnh, điển hình là đơn hàng xuất tôn mạ sang các Mỹ và châu Âu tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các nhà máy thép của các nước xuất khẩu chính cho các thị trường này chưa quay trở lại hoạt động hoàn toàn giúp Việt Nam có cơ hội tham gia thị trường.
Có nên hạn chế xuất khẩu?
Trước tình hình giá thép tăng cao đột biến, Bộ Công thương cho biết, đang xem xét để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.
Bộ Công thương cũng có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi VSA và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.
Tuy nhiên, kiến nghị ban hành chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu, nhiều ý kiến cho rằng, thép không phải mặt hàng thiết yếu, hạn chế xuất khẩu sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thị trường đang thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hạn chế xuất khẩu thép sẽ tác động rất tiêu cực vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm, nếu ngưng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt với khách hàng, gây mất uy tín.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, không nên can thiệp vào thị trường bằng chính sách hạn chế xuất khẩu bởi sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nếu đầu ra bị ngăn chặn, doanh nghiệp sẽ dần thu hẹp sản xuất, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc sâu vào doanh nghiệp nước ngoài.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia hội nhập với 14 FTA đang có hiệu lực, là nền kinh tế thị trường, mở cửa với thế giới, doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận để thị trường điều tiết giá cả sản phẩm hàng hóa.
Thực tế, giá thép trong nước tăng đột biến xuất phát từ nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như quặng sắt, thép tái chế... tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ năm 2020.
VSA đánh giá, thị trường thép HRC thế giới biến động, khiến thị trường trong nước tiếp tục khó khăn do doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất. Hiện tại, công suất HRC trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn, do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Dù xuất khẩu tăng, nhưng về tổng thể, ngành thép nước sẽ ta vẫn tiếp tục nhập siêu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của nước ta trong năm 2020 đạt gần 5,26 tỷ USD, nhưng nhập siêu của ngành vẫn lên tới 4,6 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu thép các loại gần 5,1 triệu tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, tăng 14% về lượng và 36,5% về trị giá và đưa giá trị nhập siêu lên trên 1 tỷ USD.
Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận những tín hiệu tốt về xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021. Ngoài thép xây dựng khai thác được thêm thị trường mới là Peru. Các thị trường truyền thống như Australia, Nhật, Canada, các nước ASEAN… vẫn liên tục đặt hàng với khối lượng lớn, dẫn tới sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm của Hòa Phát cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này còn xuất khẩu 121.000 tấn phôi ra thị trường thế giới.
Nguồn: satthep.net
Nguồn tin: Đầu tư