Thị trường ngày 9/6: Giá dầu, đồng bật tăng, quặng sắt giảm phiên thứ 3 liên tiếp
Giá cả thị trường biến động từng ngày, SGC cũng xin được trích dẫn bài viết cập nhật giá cả hàng hóa thị trường theo bên viết bên dưới:
Theo - Trí Thức Trẻ - Thị trường ngày 9/6: Giá dầu, đồng bật tăng, quặng sắt giảm phiên thứ 3 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua giá dầu tăng do dự đoán nguồn cung của Iran sẽ không sớm được đưa ra thị trường, vàng giảm khi USD mạnh lên, đồng tăng do lạc quan vào sự phục hồi kinh tế trong khi quặng sắt tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp.
Dầu tăng
Giá dầu tăng sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết ngay cả khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, hàng trăm lệnh trừng phạt của Mỹ với Tehran sẽ vẫn được áp dụng. Điều đó có nghĩa là nguồn cung dầu bổ sung của Iran sẽ không sớm được đưa ra thị trường.
Chốt phiên 8/6, dầu thô Brent tăng 73 US cent hay 1% lên 72,22 USD/thùng, đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2019. Dầu WTI tăng 82 US cent hay 1,2% lên 70,05 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Bốn nhà ngoại giao, 2 quan chức Iran và 2 nhà phân tích cho biết các rào cản đối với việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của Iran vẫn còn trước các cuộc đàm phán nối lại trong tuần này giữa Tehran và các cường quốc thế giới.
Tại Trung Quốc số liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này giảm 14,6% trong tháng 5 ảnh hưởng tới giá trong tương lai.
Giá dầu thô đã tăng trong những tuần gần đây, với dầu Brent tăng gần 40% trong năm nay và dầu WTI tăng còn nhiều hơn, trong bối cảnh dự đoán nhu cầu trở lại khi một số quốc gia thành công trong việc tiêm chủng chống lại Covid-19.
Sự hạn chế nguồn cung của OPEC và các nước đồng minh cũng hỗ trợ giá dầu.
Trong khi đó theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến giảm 230.000 thùng/ngày trong năm 2021 xuống 11,08 triệu thùng/ngày, giảm ít hơn so với dự báo giảm 290.000 thùng/ngày dự báo trong tháng trước đó. Tồn kho dầu thô của Mỹ đang giảm và được dự báo giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Ngân hàng Commerzbank cho biết môi trường cung cầu trong thị trường dầu mỏ vẫn thuận lợi, nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi mạnh không chỉ ở Mỹ, mà còn ở Châu Âu sau khi dỡ bỏ một phần những hạn chế.
Tại Anh, một trong những quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, hiện nay có nhiều nghi ngờ rằng quốc gia này sẽ dỡ bỏ tất cả những hạn chế liên quan tới virus corona như kế hoạch trước đó vào ngày 21/6.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng giảm do USD mạnh hơn, ngược với sự giảm giá của lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ khi các nhà đầu tư xem xét số liệu lạm phát của Mỹ có thể ảnh hưởng tới thời gian Cục dự trữ Liên bang giảm hỗ trợ tiền tệ.
Vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.892,33 USD/ounce trong khi vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,2% xuống 1.894,4 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng 0,2%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống thấp nhất một tháng.
Các nhà phân tích lưu ý rằng chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ công bố vào ngày 10/6 có thể dấy lên lo sợ rằng Fed sẽ bắt đầu động thái thu hẹp chính sách tiền tệ mở rộng của mình, khiến giá vàng giảm. Chính sách của Fed trong dài hạn có nhiều khả năng được định hình bởi tình trạng của thị trường việc làm Mỹ và sự phục hồi của thị trường này. Tuy nhiên Societe Generale cho biết giá vàng có thể đạt 2.000 USD vào cuối năm 2021.
Đồng tăng
Giá đồng tăng do lạc quan về sự phục hồi kinh tế, nhưng khối lượng giao dịch là thấp và các nhà phân tích cho rằng tiềm năng giảm nhiều hơn.
Chứng khoán thế giới gần mức cao lỷ lục và Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 5,6% trong năm 2021, đánh dấu sự phục hồi mạnh nhất sau cuộc suy thoái trong 80 năm.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,7% lên 9.969 USD/tấn sau khi giảm 0,6% trong phiên trước. Nếu đà giảm mạnh, giá có thể xuống 8.000 USD/tấn.
Đồng thoái lui kể từ khi chạm mức đỉnh 10.747,5 USD/tấn trong tháng trước, nhưng vẫn tăng 29% từ đầu năm tới nay, bởi suy đoán rằng cuộc cách mạng xanh sẽ thúc đẩy nhu cầu mới.
Giá đồng Thượng Hải đóng cửa giảm 0,4% xuống 71.420 CNY/tấn do lo sợ chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt hơn và nhu cầu yếu hơn tại Trung Quốc.
Quặng sắt Đại Liên tiếp tục giảm
Giá quặng sắt Đại Liên giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do giá thép giảm tại Trung Quốc bởi những dấu hiệu nhu cầu chậm lại.
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 0,7% xuống 1.149 CNY (179,81 USD)/tấn, sau khi giảm khoảng 4,5% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/6.
Sự sụt giảm trong tồn kho thép thanh ở Trung Quốc chậm lại trong tuần trước cho thấy nhu cầu giảm đi, do bắt đầu mùa mưa ở các tỉnh miền nam.
Tuy nhiên còn quá sớm để lo lắng về nhu cầu thép tại Trung Quốc, theo giám đốc điều hành của công ty Navigate Commodities, Singapore.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại Singapore tăng 3,1% lên 199,85 USD/tấn sau khi trước đó giảm khoảng 2%.
Tồn kho thép thanh của Trung Quốc đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi dự trữ thép cuộn cán nóng biến động trong 5 tuần qua, theo công ty SteelHome.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 1,8% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,7%, cả hai đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/6 trong đầu phiên giao dịch. Thép không gỉ giảm 1,5%.
Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc giảm xuống 203 USD/tấn trong ngày 7/6, giảm khoảng 12% so với mức kỷ lục trong tháng trước.
Cao su giảm
Thị trường cao su Malaysia giảm giá bởi diễn biến tiêu cực trên thị trường cao su trong khu vực và giá dầu thô giảm.
Sự sụt giảm này cũng do đồng ringgit của Malaysia mạnh lên so với USD, bất chấp lo lắng về sự gia tăng Covid-19 tại các quốc gia Châu Á. Tuy nhiên, đà giảm tiếp bị hạn chế bởi các thị trường chứng khoán toàn cầu mạnh.
Giá cao su SMR 20 ở mức 672,5 sen/kg trong khi mủ cao su ở mức 582 sen/kg.
Ngô, đậu tương tăng giá
Giá ngô và đậu tương của Mỹ tăng sau khi một báo cáo của chính phủ cho thấy tình trạng mùa vụ tồi tệ hơn dự kiến khi một đợt nắng nóng ập đến vùng Midwest.
Lúa mì của Mỹ trái chiều, với hợp đồng lúa mì vụ đông tăng trong khi lúa mì vụ xuân giảm ngày thứ hai liên tiếp.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 19-3/4 US cent lên 15,8 USD/bushel và ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 3/4 US cent lên 6,8 USD/bushel.
Lúa mì đỏ, mềm vụ đông giao tháng 7 tăng 5 US cent lên 6,85 USD/bushel.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,33 US cent lên 17,71 US cent/lb.
Các đại lý cho biết trong khi mưa được dự báo tại khu vực hạn hán của Brazil trong vài ngày tới, thị trường đường vẫn lo lắng và về cơ bản giao dịch trong biên độ nhỏ do tác động của mưa chưa được đánh giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 6,2 USD hay 1,3% lên 465,5 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 2,45 US cent xuống 1,5770 USD/lb.
Các đại lý cho biết trong tháng qua cà phê arabica cần tăng 7% đề bù cho USD suy yếu so với đồng real của Brazil. Thực tế cà phê arabica tăng 17% cho thấy đà tăng là quá mức và giá đã đạt đỉnh hiện nay.
Thị trường tiếp tục theo dõi lượng mưa tại Brazil sau khi tình trạng khô hạn kéo dài gây thiệt hại cho vụ hiện nay và có thể thiệt hại cả năm tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 29 USD hay 1,8% xuống 1.596 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/6:
Minh Quân - Theo Trí Thức Trẻ