Sau nhiều 14-15 đợt giảm giá liên tiếp, thép xây dựng tại thị trường nội địa đang được bán ra ở mức 13,6-14,7 triệu đồng/tấn, tùy từng chủng loại và thương hiệu.
Giá thép tiếp tục giảm sâu vào mùa thấp điểm
Ngày 21/7, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 100.000 đồng – 310.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, xuống còn 13,6 – 14,69 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.
Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Việt Mỹ miền Trung có giảm giá mạnh với cả hai dòng thép xây dựng. Cụ thể, doanh nghiệp điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 còn 13,6 triệu đồng/tấn, đồng thời hạ 200.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 xuống 13,65 triệu đồng/tấn.
(Nguồn: Steelonline)
Tương tự, thương hiệu thép Thái Nguyên giảm 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép xây dựng CB240 và D10 CB300, lần lượt ở mức 14,08 triệu đồng/tấn và 14,23 triệu đồng/tấn.
Ở mặt bằng chung, các doanh nghiệp khác có chung mức giảm khoảng 100.000 đồng/tấn với thép vằn thanh D10 CB300 và giữ nguyên giá với thép cuộn CB240.
Cụ thể, doanh nghiệp thép Hòa Phát đồng loạt hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 14,14 triệu đồng/tấn; 14,04 triệu đồng/tấn và 13,99 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,84-14,12 triệu đồng/tấn.
(Nguồn: Steelonline)
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép vằn thanh D10 CB300 còn 13,89 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 không điều chỉnh, hiện đang ở mức 13,74 triệu đồng/tấn.
Cùng mức giảm 100.000 đồng/tấn, giá thép vằn thanh của thương hiệu Việt Nhật hiện đang được bán ra khoảng 13,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn cả CB240 ở mức 13,8 triệu đồng/tấn.
Với mức giảm 150.000 đồng/tấn, giá thép vằn thanh D10 CB300 của thương hiệu thép miền Nam đang ở mức 14,62 triệu đồng/tấn. Thép CB240 vẫn giữ nguyên ở mức 14,41 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu Pomina điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 14,69 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 đi ngang ở mức 14,59 triệu đồng/tấn.
Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 14-15 đợt điều chỉnh giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất điều chỉnh giá khác nhau.
Kỳ vọng giá thép sẽ khởi sắc theo thị trường nguyên liệu
Tại báo cáo, VSA cũng cho biết giá nguyên vật liệu thép trong tháng 6 tương đối ổn định so với tháng trước đó. Các mặt hàng nguyên liệu thép như quặng sắt, than mỡ luyện cốc có xu hướng tăng nhẹ vào cuối quý II, đầu quý III, kỳ vọng điều này sẽ hỗ trợ giá thép trong thời gian tới.
Theo đó, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 6/7 giao dịch ở mức 112 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng không đáng kể (1%) so với thời điểm đầu tháng 6. Bình quân 6 tháng đầu năm,giá quặng sắt ở mức 118,3 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 6/7 giao dịch ở mức khoảng 230 USD/tấn FOB, tương đương mức giá đầu tháng 6. Mức giá than mỡ luyện cốc giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 293,6 USD/ tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
(Nguồn: VSA)
Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 6/7 ở mức 375 USD/tấn, giảm 4% so với đầu tháng 6. Bình quân nửa đầu năm 2023, giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á đạt 421 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường nội địa, giá thép phế nội địa tương đối ổn định, giữ mức 8.600 -9.100 đồng/kg. Giá phế nhập khẩu tăng 15 USD/tấn, giữ mức 399 USD/tấn cuối tháng 6.
Thị trường than điện cực graphite (GE) dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn. Hiện, giá than điện cực loại UHP450 dao động 2.930-3.100 USD/tấn CFR Đà Nẵng, tương đối ổn định kể từ đầu năm 2023.
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh