Giá thép tăng cao đe doạ đà phục hồi kinh tế toàn cầu H.MĨ
Những biến động mạnh ở thị trường thép đã tác động vào các vấn đề cốt lõi của các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ. Hiệu ứng từ cuộc căng thẳng Nga - Ukraine làm xáo trộn chuỗi cung ứng khiến toàn bộ hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng.
Cuộc đấu thầu xây dựng một cây cầu ở Rome thất bại như một minh chứng của hệ quả việc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang khiến giá giá thép tăng vọt, theo Bloomberg.
Đầu tháng 3, không có người ai đấu thầu dự án xây dựng cây cầu Ponte dei Congressi bắc qua sông Tiber trị giá 163 triệu USD vì giá thép quá cao. Sau 3 tuần kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, giá thép ở Châu Âu tăng tới 51%.
Điều này gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế tại Châu Âu vì thép vẫn là mặt hàng vật liệu xây dựng thiết yếu. Giá thép leo thang cùng với chi phí năng lượng cũng tăng khiến các nhà sản xuất, chế tạo ở Châu Âu phải đứng trước lựa chọn khó khăn: chấp nhận việc tăng giá sản phẩm hoặc giảm sản lượng.
1/5 nguồn cung thép ở Châu Âu đang phải phụ thuộc vào Nga và Ukraine và tác động ngày càng trầm trọng hơn do chi phí năng lượng tăng cao buộc các nhà máy thép phải giảm sản lượng. Tuy nhiên, các quốc gia khác bao gồm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm chủ chốt.
Tom Price, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum Capital cho biết: “Những biến động mạnh ở thị trường thép đã tác động vào các vấn đề cốt lõi của các nền kinh tế lớn như EU. Hiệu ứng căng thẳng Nga - Ukraine làm xáo trộn chuỗi cung ứng khiến toàn bộ hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng”.
Theo Angelica Donati, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty xây dựng Donati SpA có trụ sở tại Rome cho biết căng thẳng tại Ukraine càng làm gia tăng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, kéo theo nguồn cung thép bị thiếu hụt, trong đó có cả corten, một loại thép chịu được thời tiết, dùng trong xây dựng.
Donati cho biết: “Thép corten, chủ yếu được sản xuất ở Ukraine, hoàn toàn không có sẵn vào lúc này. Điều này có nghĩa bất kỳ nơi nào nào sử dụng corten - ví dụ, cầu cạn tại Italy - chắc chắn sẽ phải ngừng sản xuất”.
Theo nhà phân tích Grant Sporre của Bloomberg Intelligence, nếu giá thép tăng hơn nữa có thể khiến nhu cầu giảm sâu, trong đó lĩnh vực ô tô và hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Sporre nói: “Chi phí sản xuất ô tô sẽ tăng thêm 700 - 800 euro, bào mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất. Vì vậy các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá”.
Tác động tiêu cực còn lan sang cả khu vực Đại Tây Dương.
Giá thép tại Mỹ đã tăng khoảng 56% kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Các lò điện hồ quang - chiếm khoảng 70% sản lượng thép của Mỹ - phụ thuộc khoảng một nửa nguồn cung gang từ Nga và Ukraine.
Timna Tanners, một nhà phân tích tại Wolfe Research, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Mọi thứ đều đang xáo trộn vì những bất ổn"
Nguồn cung gang đang cạn kiệt đang đẩy giá một loại nguyên liệu thô khác trong đó có phế liệu cao cấp tăng theo.
Dan DeMare, giám đốc bán hàng của Heidtman Steel Products Inc., cho biết: “Nếu các công ty sản xuất thép không thể lấy gang từ Ukraine và Nga, họ cần phải dùng đến phế liệu, và nơi tốt nhất để lấy phế liệu là Mỹ”.
Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - cũng mang đến rủi ro tăng giá cho thị trường thép toàn cầu. Theo Mysteel, lệnh phong toả ở thủ phủ thép Đường Sơn đã buộc 19 lò cao trong khu vực phải đóng cửa.
Về lý thuyết, điều đó có thể mang lại lợi ích cho các nhà máy ở những nơi khác trên thế giới bằng cách giảm chi phí than và quặng sắt. Nhưng thực tế lại không phải vậy khi giá cả hai mặt hàng đã tăng hơn 35% do kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng lên.
Nguồn: Theo KTCK