Thị trường ngày 22/4: Giá dầu giảm mạnh, vàng, đồng, quặng sắt và thép đồng loạt tăng
Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, giá dầu thấp nhất 1 tuần, khí tự nhiên và cao su đều giảm, trong khi vàng, đồng, quặng sắt và thép đồng loạt tăng, nhôm cao nhất gần 3 năm, ngô và đậu tương cao nhất nhiều năm.
Giá dầu thấp nhất 1 tuần:
Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất 1 tuần, do tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng và lo ngại số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tăng, sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu tại nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, dầu thô Brent giảm 1,25 USD tương đương 2% xuống 65,32 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 1,32 USD tương đương 2,1% xuống 61,35 USD/thùng. Cả hai loại dầu chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/4/2021.
Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 594.000 thùng lên 493 triệu thùng, so với dự kiến giảm 3 triệu thùng của các nhà phân tích.
Giá khí tự nhiên tiếp đà giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn New York giảm 3,5 US cent tương đương 1,3% xuống 2,692 USD/mmBTU.
Giá vàng tiếp đà tăng, palađi cao kỷ lục
Giá palađi tăng lên mức cao kỷ lục, do lo ngại nguồn cung và giá vàng tăng mạnh.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,9% lên 1.792,77 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.797,41 USD/ounce – cao nhất gần 2 tháng, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD suy giảm và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.793,1 USD/ounce.
Giá palađi tăng 4,3% lên 2.880,1 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao kỷ lục (2.891,2 USD/ounce). Tính đến nay, giá palađi đã tăng 24% kể từ khi Nornickel Nga – nhà sản xuất lớn nhất thế giới – tạm dừng 1 phần hoạt động tại 2 mỏ khai thác từ ngày 24/2.
Giá đồng tăng, nhôm cao nhất gần 3 năm
Giá đồng tăng, cùng với thị trường chứng khoán hồi phục và đồng USD suy yếu, song mối lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona tăng đã hạn chế đà tăng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,3% lên 9.440 USD/tấn.
Kỳ vọng nhu cầu đồng tăng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp và nền kinh tế toàn cầu hồi phục, đẩy giá đồng tăng lên mức cao nhất gần 10 năm (9.617 USD/tấn) trong tháng 2/2021.
Ngoài ra, giá đồng được hỗ trợ bởi sản lượng đồng tinh chế của Trung Quốc trong tháng 3/2021 tăng 18,2% so với tháng 3/2020, song vẫn chạm mức thấp nhất (870.000 tấn) kể từ tháng 7/2020, Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết.
Đồng thời, giá nhôm trên sàn London tăng 2,5% lên 2.367 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Giá thép và quặng sắt đều tăng
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tăng, do lo ngại việc kiểm soát công suất và sản lượng trong những tháng tới nghiêm ngặt hơn, khi các cơ quan quản lý thắt chặt việc giám sát.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1,5% lên 5.188 CNY (799 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,7% lên 5.484 CNY/tấn ~ 845USD/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 0,1% xuống 13.915 CNY/tấn.
Đồng thời giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 5 liên tiếp, tăng 1,4% lên 1.101 CNY/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 5 USD lên 186,5 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản và Ấn Độ tăng, khiến nhu cầu cao su toàn cầu hồi phục chậm lại và dự kiến chính phủ Thái Lan có thể giải phóng hàng tồn kho cũ.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giảm 1,7 JPY tương đương 0,7% xuống 233,2 JPY (2,2 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 120 CNY lên 13.910 CNY (2.141 USD)/tấn.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,25 US cent tương đương 0,2% xuống 1,342 USD/lb.
Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 12 USD tương đương 0,9% lên 1.410 USD/tấn.
Giá đường vẫn cao nhất 7 tuần
Giá đường thô tăng lên mức cao nhất 7 tuần, do nguồn cung thắt chặt khi triển vọng cây trồng tại Brazil và châu Âu suy giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,17 US cent tương đương 1% lên 16,94 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 16,99 US cent/lb – cao nhất kể từ ngày 26/2/2021.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 1,2 USD tương đương 0,3% lên 463,3 USD/tấn.
Giá ngô và đậu tương cao nhất nhiều năm, lúa mì tăng
Giá ngô và đậu tương tại Mỹ tăng lên mức cao nhất nhiều năm, được hậu thuẫn bởi nguồn cung vụ cũ suy giảm và vấn đề thời tiết đe dọa triển vọng vụ thu hoạch 2021.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 19 US cent lên 6,25-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,28-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2013. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 21-3/4 US cent lên 14,79-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 14,99-3/4 USD/bushel – gần ngưỡng 15 USD/bushel – lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 13-3/4 US cent lên 6,75 USD/bushel.
Giá dầu cọ cao nhất gần 2 tuần
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 3% lên mức cao nhất gần 2 tuần, do giá dầu thực vật khác trên sàn Đại Liên và Chicago tăng mạnh, dấy lên mối lo ngại nguồn cung thắt chặt.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 87 ringgit tương đương 2,29% lên 3.892 ringgit (944,89 USD)/tấn – cao nhất kể từ ngày 8/4/2021, trong phiên có lúc giá dầu cọ tăng 3,8%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/4
Minh Quân
Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị