Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tăng trở lại
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 1/2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2%
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2021 giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, đóng góp 1,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm.
Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 31,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 24,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, khai thác quặng kim loại cùng tăng 24,4%;Đáng chú ý, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tháng 1/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 48,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 42,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 36,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 34,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 32,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 32,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 31,7%;
Bên cạnh đó, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 24%. Ngoài ra, một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất trang phục tăng 9,9%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 6,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,2%;
Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 3,8%; khai thác than cứng và than non tăng 3,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 17,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 01/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tivi các loại tăng 106,2%; linh kiện điện thoại tăng 71,5%; thép cán tăng 63,4%; sắt, thép thô tăng 38,8%; ô tô tăng 38,2%; xi măng tăng 35,8%;
Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 35,6%; sữa bột tăng 31,1%; sơn hóa học tăng 30,9%; sữa tươi tăng 28%; bia các loại tăng 24,9%; thuốc lá điếu tăng 23%; phân hỗn hợp NPK tăng 22,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 20,4%.
Đơn cử như ngành dầu khí, tháng 1/2021, công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đang được triển khai tích cực ở cả trong nước và ngoài nước ngay từ đầu năm. Sản lượng dầu thô khai thác tháng 1đạt 0,9 triệu tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,6 tỷ m3, giảm 15,1%; khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 74,7 nghìn tấn, giảm 0,1% cùng kỳ.
Coi thách thức là động lực bứt phá
Bộ Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng tiếp theo năm 2021, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.
Trên cơ sở đó, triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. “Tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” - báo cáo nêu rõ.
Riêng đối với ngành điện, Bộ Công Thương lưu ý cần tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021. Hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện.
Liên quan đến hội nhập cần tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu. Thúc đẩy sớm phê chuẩn và đưa Hiệp định UKVFTA và RCEP vào thực thi.
Theo Bộ Công Thương, toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Quốc hội và Chính phủ giao năm 2021, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 2 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Nguồn congthuong.vn |