Khan hiếm chất bán dẫn, doanh nghiệp Việt sẽ xoay xở ra sao?
Bắt đầu từ nửa sau năm 2020 tới nay, doanh nghiệp của nhiều nền kinh tế liên tiếp bị làn sóng khan hiếm chất bán dẫn như một hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 làm khó. Những tháng gần đây, công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là chế tạo xe hơi đã phải đối mặt với nhiều xáo trộn.
Chất bán dẫn theo các chuyên gia nói một cách rộng hơn là các linh kiện điện tử được chế tạo từ chất bán dẫn, là tối cần thiết đối với ngành công nghiệp thế giới, đặc biệt là chip điện tử để giúp cho các máy móc thu thập, xử lý và lưu giữ các dữ liệu như như điện thoại thông minh, máy vi tính, xe hơi, thiết bị chơi game, máy bay, các mạng tin học hay mạng điện thoại.
Ban đầu làn sóng khan hiếm này được quy lỗi do dịch bệnh Covid-19 gây ra khi nhu cầu giãn cách xã hội tăng lên buộc người dùng phải làm việc ở nhà, nơi xa công sở khiến việc dùng laptop, điện thoại di động tăng lên.
Cùng đó là việc đua nhau phát triển mạng di động 5G cũng được xem là một nguyên nhân dẫn đến việc khan hiếm này.
Tuy nhiên những nguyên nhân này giờ đây chỉ đúng một phần. Nhiều chuyên gia cho rằng các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ đều đang phải "chạy đôn chạy đáo” khắp thế giới để có nguồn cung chất bán dẫn thậm chí phải lo tranh mua và tích trữ càng nhiều càng tốt, trong bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như dịch bệnh Covid-19 có thể còn lâu mới chấm dứt.
Bình ổn nguồn cung linh kiện điện tử có thể phải cần nhiều thời gian
Nhu cầu càng ngày càng tăng vọt thế nhưng trên thế giới số lượng các hãng chế tạo chất bán dẫn có thể đếm được trên đầu ngón tay do việc đầu tư nghiên cứu sản xuất là rất lớn, lên đến hàng tỷ USD. Các nhà sản xuất chủ yếu của thế giới là ở Đài Loan (TSMC), Hàn Quốc (Samsung và SK Hynix). Hoa Kỳ có một nhà sản xuất lớn khác là Intel. Ngược lại, châu Âu chủ yếu chuyên về nghiên cứu và khả năng sản xuất thì rất hạn chế.
Theo chuyên gia kinh tế Đài Loan Iris Pang, nạn khan hiếm chất bán dẫn có nguy cơ kéo dài đến 2022, thậm chí 2023. Cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới, nhu cầu về chất bán dẫn sẽ gia tăng, nhưng việc xây dựng các cơ sở sản xuất mới sẽ mất nhiều thời gian hơn để bảo đảm nguồn cung được bình ổn trở lại.
Có thể mất tới hai năm để các nhà máy sản xuất chất bán dẫn phức tạp đi vào hoạt động, trong khi các nhà sản xuất đang trong quá trình tăng giá đáng kể lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm.
Còn chuyên gia phân tích công nghệ Neil Campling của ngân hàng Mirabaud thì bi quan hơn khi ông cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy nguồn cung bắt kịp hoặc nhu cầu sẽ giảm, trong khi giá đang tăng trên toàn chuỗi cung ứng
"Điều này sẽ ảnh hưởng tới từng người tiêu dùng trên phố. Hãy chờ xem ô tô sẽ đắt hơn, điện thoại sẽ đắt hơn. iPhone năm nay chắc chắn không rẻ hơn năm ngoái”- ông Neil Campling “gia cát dự”.
Các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam đều thừa nhận đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu, dù ở nhiều mức độ khác nhau do Việt Nam hầu gần như chưa có doanh nghiệp nào làm chủ từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm của chất bán dẫn nên đều phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp điện tử Việt Nam ngay từ khi chớm khủng hoảng chất bán dẫn đã nhanh tay đi mua gom các linh kiện điện tử. Hiện công việc này vẫn đang diễn ra một cách khá ráo riết. Tuy nhiên công việc này không phải dễ dàng do việc kết nối được với các nguồn cung, hoặc đối tác chuyển đổi kế hoạch kinh doanh hoặc còn dư ra lượng linh kiện lớn ngày càng khó.
Về lâu dài, các doanh nghiệp “có điều kiện” đã tính đến mức độ, khả năng làm chủ phần thiết kế và làm sản phẩm để có thể chủ động thay đổi các linh kiện, nguyên vật liệu khác nhau trong khi vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, làn sóng khủng hoảng chất bán dẫn giờ đây có vẻ như càng ngày càng vượt ra ngoài tầm tay các doanh nghiệp công nghiệp, chế biến chế tạo mà nó đòi hỏi sự chung tay điều phối giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, tương tự như điều đã xảy ra với vaccine Covid-19.
Quang Lộc
Nguồn: công thương.vn