Hàng hóa tuần qua: Giá thép giảm lần thứ 15 liên tiếp, khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới, xăng đi ngang
Giá thép xây dựng trong nước giảm lần thứ 15 liên tiếp
Ngày 23/8, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm lần thứ 15 liên tiếp từ ngày 11/5 với mức giảm đến 400.000 đồng/tấn. Thép Miền Nam điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 14,72 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá thép Hòa Phát. Nguồn: Steel Online
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 200.000 và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn xuống còn 14,14 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 400.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn xuống còn còn 14,04 triệu đồng/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá là 14,64 triệu đồng/tấn và 15,25 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau giảm lần lượt 60.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn.
Giá thép đã giảm 15 lần trong vòng hơn 100 ngày với tổng mức giảm 4-6 triệu đồng/tấn nhưng giới chuyên gia đang kỳ vọng triển vọng tiêu thụ sẽ tươi sáng hơn vào quý IV năm nay, khi nhu cầu thép của ngành xây dựng được cải thiện.
Giá xăng không đổi, dầu diesel tăng 850 đồng/lít
Liên Bộ Tài chính - Công Thương thông báo giữ nguyên giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày 21/8. Theo đó, mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 có giá lần lượt là 24.660 đồng và 23.720 đồng mỗi lít.
Diễn biến giá xăng kể từ tháng 9/2021 đến nay.
Trong khi đó, dầu diesel và dầu hỏa tăng. Cụ thể, diesel tăng 850 đồng/lít lên 23.750 đồng/lít, dầu hỏa cũng tăng 730 đồng/lít lên 24.050 đồng/lít. Dầu mazut vẫn giữ nguyên với 16.540 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành không chi sử dụng quỹ bình ổn giá. Cơ quan điều hành trích vào quỹ với xăng E5 RON 92 là 451 đồng/lít và RON 95-III là 493 đồng/lít; 250 đồng/lít với dầu diesel, 400 đồng/lít với dầu hỏa và mazut là 641 đồng/kg.
Tập đoàn hóa chất lớn của Ba Lan tạm dừng sản xuất phân bón do giá khí đốt cao kỷ lục
Reuters đưa tin, Grupa Azoty, tập đoàn hóa chất của Ba Lan, mới đây thông báo tạm ngừng sản xuất một số loại phân bón, trong đó có phân đạm, do giá khí đốt cao kỷ lục.
"Tình hình hiện nay trên thị trường khí đốt tự nhiên, yếu tố quyết định lợi nhuận trong sản xuất phân bón, rất bất thường và khó đoán định", Grupa Azoty cho biết trong đầu tuần này.
Grupa Azoty cho biết họ sẽ bảo trì máy móc trong thời gian ngừng hoạt động và sẽ tiếp tục sản xuất các mặt hàng khác như chất xúc tác, màng polyamide, axit humic, tinh bột nhựa nhiệt dẻo và axit nitric đậm đặc.
Grupa Azoty cũng cho biết cơ sở sản xuất Grupa Azoty Zaklady Azotowe Pulawy tại thị trấn Pulawy đang cắt giảm 10% sản lượng amoni vì giá khí đốt tăng cao, sau khi ngừng sản xuất melamine hồi đầu tháng 8.
Giá khí đốt ở châu Âu lập kỷ lục, tập đoàn của Na Uy giảm sản xuất nguyên liệu phân bón amoniac
Tập đoàn Yara International ASA của Na Uy cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm công suất amoniac, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón, xuống còn khoảng 1/3 tại châu Âu vì giá khí đốt tăng cao. Với lần điều chỉnh mới nhất này, tổng lượng cắt giảm của tập đoàn này nâng lên 3,1 triệu tấn amoniac và 4 triệu tấn thành phẩm trên toàn hệ thống sản xuất tại châu Âu. Trước đó, năm nay, Yara cũng đã cắt giảm sản lượng amoniac vì giá khí đốt cao sau cuộc chiến Nga - Ukraine. Yara được thành lập năm 1905, sản xuất nhiều loại phân bón và hoạt động trên 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Tập đoàn này cho hay sẽ nhập khẩu amoniac, nếu khả thi, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện giá nhập khẩu amoniac vào châu Âu rẻ hơn so với tự sản xuất.
Yara International ASA là tập đoàn chuyên sản xuất, phân phối các loại phân đạm và các sản phẩm công nghiệp liên quan. Yara cũng sản xuất các loại phân bón khác như kali, phân bón gốc phốt phát... Năm 2021, doanh thu của tập đoàn này đạt 16,6 tỷ USD.
Trước đó hai ngày, Grupa Azoty, tập đoàn hóa chất của Ba Lan, thông báo tạm ngừng sản xuất một số loại phân bón, trong đó có phân đạm, do giá khí đốt cao kỷ lục. Grupa Azoty là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ hai ở Liên minh châu Âu.
Diễn biến giá khí đốt tại châu Âu. Nguồn: Trading Economics
Khí đốt là yếu tố quan trọng trong sản xuất phân bón. Giá khí đốt tại châu Âu liên tục xác lập kỷ lục mới trong những ngày gần đây. Giá mặt hàng này ngày 26/8 là 320 USD/mwh, tăng 10% so với ngày trước đó và lập kỷ lục mới. So với đỉnh hồi tháng 3, giá khí đốt cao hơn gần 40%. So với cùng kỳ năm trước, giá hiện tại tăng 600%
Một số tin tức khác
Theo Trading Economics, giá lithium, nguyên liệu trong sản xuất pin xe điện, ngày 25/8 là 492.500 nhân dân tệ/tấn (71.797 USD/tấn), tăng 1% so với ngày trước đó và cao hơn 344% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lithium đang tiến sát mức kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3 và thấp hơn đỉnh khoảng hơn 1%. Thời gian cắt giảm nguồn điện cho sản xuất công nghiệp tại Tứ Xuyên, nơi sản xuất hơn 1/5 sản lượng lithium của Trung Quốc, đã kéo dài sang tuần này trong bối cảnh nắng nóng, hạn hán ảnh hưởng đến thủy điện tại Trung Quốc. Việc thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung của lithium.
Giá axit sulfuric, hóa chất trong sản xuất phân bón, ngày 22/8 tại Trung Quốc là 378 nhân dân tệ/tấn (55 USD/tấn), giảm 4% so với cuối tuần trước. Giá axit sulfuric liên tục hạ từ cuối tháng 6 đến nay và hiện thấp hơn đỉnh khoảng 62%.
Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh cảnh báo về cuộc khủng hoảng gia tăng đối với phân bón - một chất thiết yếu để tăng độ phì nhiêu của đất khi các quốc gia dễ bị tổn thương ở các khu vực như châu Phi phải vật lộn với giá đã tăng 300% kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tháng 7 ở mức 249,7 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ở mức 1,93 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: ndh.vn