Giá thép được dự báo hồi phục trong quý IV nhưng trái chiều năm 2023
Từ chiều 6/9, nhiều doanh nghiệp thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 490.000 đồng/tấn.
Ông Trần Trọng Nhân, Giám đốc của CTCP EduTrade, cho rằng giá thép sẽ giảm trong năm 2023 do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
VCBS tin rằng giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.
Từ chiều 6/9, nhiều doanh nghiệp thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 490.000 đồng/tấn. Cụ thể, Pomina tăng lần lượt 250.000 đồng/tấn và 490.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15,33 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 190.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này là 14,82 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 lần lượt tăng 150.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 14,72 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên tăng 80.000 đồng/tấn và 280.000 đồng/tấn lên 14,72 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Như vậy, đợt điều chỉnh ngày 6/9 là lần tăng thứ hai liên tiếp sau 15 lần giảm kể từ ngày 11/5. Tổng mức tăng sau 2 lần điều chỉnh đến 700.000 đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.
Chiến sự Nga - Ukraine là cú sốc cho chuỗi giá trị ngành thép
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá thép và giá nguyên vật liệu tăng khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với tâm lý hoảng loạn lo ngại thiếu nguồn cung. Sau đó, nỗi lo suy thoái kinh tế dần chiếm ưu thế khiến nhu cầu suy giảm và giá giảm nhanh sau đó.
Đà giảm giá thép yếu dần và có dấu hiệu đảo chiều nhờ tin tức tích cực về các biện pháp kích thích thị trường bất động sản của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo VDSC, động lực tăng giá trong nửa cuối năm nay là không nhiều do các nước tăng thắt chặt tiền tệ đối phó với lạm phát cao, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế.
Về thị trường trong nước, theo VDSC, nhu cầu thép trong nước thấp nửa đầu năm yếu do dòng tiền vào thị trường bất động sản chững lại và giải ngân đầu tư công chậm. Giá thép giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến các nhà phân phối tìm cách giảm hàng tồn kho, chỉ mua khi có đặt trước. Bên cạnh đó, nhu cầu từ các thị trường khác chậm lại kết hợp với cạnh tranh xuất khẩu với nhiều nước, bao gồm thép giá rẻ của Trung Quốc khiến sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm 6 tháng đầu năm tăng 3,1% lên 3,64 triệu tấn. Áp lực tồn kho cao buộc các nhà máy vừa cắt giảm công suất vừa cạnh tranh về giá bán, kéo mặt bằng giá đi xuống.
Sản lượng tiêu thụ thép suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: BSC
Sản lượng tiêu thụ thép suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: BSC
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), sản lượng tiêu thụ thép trong quý III vẫn ở mức thấp do là mùa thấp điểm xây dựng (mùa mưa) dẫn tới nhu cầu về thép không cao. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại các nhà máy thép cầm chừng do tồn kho lớn. BSC nhận định rằng tình hình tiêu thụ sẽ khả quan hơn trong quý IV nhờ hoạt động xây dựng thường đẩy mạnh trong quý cuối năm và chi phí xây dựng giảm do giá thép đã đi xuống.
Các chuyên gia của BSC cho rằng tích cực rằng giá các nguyên liệu đầu vào đã giảm và điều này hỗ trợ lớn đối với doanh nghiệp thép trong nửa sau năm 2022. Theo Trading Economics, giá thép cuộn cán nóng (HRC) là 773 USD/tấn, thấp nhất hơn 20 tháng và thấp hơn đỉnh đầu tháng 3 khoảng 49%.
Diễn biến giá thép cuộn cán nóng. Nguồn: Trading Economics
Do vòng quay hàng tồn kho của ngành thép thường ở mức 2-3 tháng, BSC cho rằng chi phí sản xuất sẽ giảm tương đối, giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện trong quý IV.
Trái chiều về dự báo giá thép trong năm 2023
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Nhân, Giám đốc của CTCP EduTrade, đơn vị thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, cũng cho rằng các đợt sóng tăng giá thép ngắn hạn sẽ xuất hiện sau thời gian giảm. Tuy nhiên, theo ông Nhân, giá thép chỉ tăng đến hết quý cuối năm nay. Tuy nhiên, giá thép sẽ giảm trong năm 2023 do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trái với quan điểm của Giám đốc EduTrade, bộ phận phân tích Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc với kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra gói hỗ trợ cho vay 200 tỷ nhân dân tệ lãi suất thấp giúp tái cơ cấu các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại. Nước này cũng đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế.
VCBS cho rằng với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần những năm tới. Vì vậy, giá thép sẽ rất nhạy cảm với nhu cầu. Đơn vị phân tích kỳ vọng khi nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ hồi phục tốt và cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.
Đơn vị này nhận thấy chu kỳ giá thép hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn 2013-2016 khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc giảm do thị trường bất động sản chững lại, từ đó giá thép đi vào giai đoạn giảm giá dài. Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thép phải hạn chế sản xuất. Tuy nhiên vào năm 2016 khi chính phủ Trung Quốc triển khai hàng loạt chính sách kích thích thị trường bất động sản và thắt chặt nguồn cung thép thì giá thép đã cho mức tăng giá rất ấn tượng.
Nguồn: vinanet.vn