Giá thép được dự báo điều chỉnh ra sao trong thời gian tới?
Các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép...
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá thép trong thời gian vừa qua có bước tăng phi mã. Các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý III/2021.
Lý giải về giá thép tăng, đại diện Hiệp hội Thép cho biết, giá phôi thép ngày 6/4 vừa qua ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/4 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá ngày 8/12/2020 là 700 USD/tấn.
Nhìn chung, thị trường thép cuộn cán nóng HRC thế giới biến động mạnh khiến cho thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Ở trong nước, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với đầu năm trên thị trường toàn cầu và Việt Nam. Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 15.900 – 16.000 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
“Dự báo tháng 4 và tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn tốt song sự cạnh tranh sẽ rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán có thể sẽ tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng”, Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo.
Các yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh. Tháng 3/2021, giá phế nội địa tiếp tục tăng nhẹ từ 300 đồng/kg, giữ mức 8.850 – 9.100 đồng/kg.
Giá thép phế nhập khẩu ở mức 438 USD/tấn. Giá phôi nhập khẩu cũng tăng ở mức 17 USD/tấn giữ ở 606 – 608 USD/tấn. Giá phôi nội địa cũng tăng 300-400 đồng/kg, giữ giá ở mức 13.300 – 13.700 đồng/kg.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, chuyên gia ngành thép, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008. Các chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021. Bởi đất nước này có nhu cầu nội địa lớn với nhiệm vụ kép: phục hồi sau COVID-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025.
Ngoài ra, sản lượng thép giảm theo chính sách chung của chính phủ Trung Quốc kết hợp với chính sách kiểm soát ô nhiễm.
Theo chia sẻ của anh Ngô Khánh, Chủ kinh doanh các mặt hàng sắt, thép Hà Nội, thời gian này, các mặt hàng sắt thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá.
Hiện giá thép xây dựng đang ở mức cao. Cụ thể, thép Hoà Phát có mức giá với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.890 đồng/kg (tăng 310 đồng so với vài ngày trước). Còn thép D10 CB300 hiện đang có giá là 16.080 đồng/kg, tăng 300 đồng.
Thép Việt Ý cũng tăng mức giá bán, hiện thép cuộn CB240 đang có giá là 16.040 đồng/kg, còn thép D10 CB300 tăng 300 đồng từ 15.690 đồng/kg (giá ngày 13/4) lên mức 15.990 đồng/kg.
Với thép xây dựng Việt Đức (thuộc Công ty cổ phần Thép Việt Đức) cả 2 sản phẩm là thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 đều tăng giá, vượt mức 16.000 đồng/kg. Hiện giá của 2 sản phẩm lần lượt là 16.140 đồng/kg (với thép cuộn CB240) và 16.020 đồng/kg (thép D10 CB300).
Anh Ngô Khánh nhận định: “Chưa có bao giờ giá thép thay đổi liên tục như hiện nay, Nhiều cửa hàng không dám xuất hàng với lượng lớn bởi có thể chỉ vài tiếng sau, giá cả đã có sự thay đổi. Mức giá hơn 16 triệu đồng/tấn là rất cao so với thời điểm này năm 2019-2020, chỉ khoảng 12.000 - 13.000 triệu đồng/tấn”.
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ sắt thép của các quốc gia trên thế giới đều tăng mạnh, giá thép tăng lên mức cao nhất của mọi thời đại. Trong khi nguồn cung khan hiếm từ Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát sản lượng của Chính phủ Trung Quốc tại khu vực Đường Sơn. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã phần nào được kiểm soát, nhu cầu xây dựng bất động sản khởi sắc trở lại. Vì vậy, các đại lý tăng cường nhập hàng dự trữ cho kế hoạch kinh doanh năm 2021, các công trình xây dựng cũng gấp rút triển khai, tăng cường nhập hàng đề phòng giá tăng tiếp có thể ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình. Những yếu tố này khiến giá thép thời gian qua tăng mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nguyên liệu đầu vào tăng giá là tác nhân chính khiến giá thép tăng giá. thời điểm năm 2020, giá thép tăng từ 10 - 20%. Đến thời điểm hiện nay, có lúc giá thép tang mạnh 20 - 30%.
Trong nước, dù giá bán cao, song sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép Quý I/2021 tăng khá cao so với những nhận định trước đó. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 7,6 triệu tấn, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 6,8 triệu tấn, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo Vinanet.vn