Giỏ hàng

Giá quặng sắt lại phục hồi do Trung Quốc vẫn ồ ạt luyện thép.

Công nhân tại cơ sở chế biến thép của Dongbei Special Steel Group tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. (Ảnh: Reuters).

Giá quặng sắt giao sau tại Singapore và Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng trở lại trên 200 USD/tấn trong bối cảnh các nhà máy tại Trung Quốc vẫn ồ ạt luyện thép mặc nỗ lực ghìm cương của chính quyền Bắc Kinh. S

 

Dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/5 cho thấy, trong bối cảnh các nhà máy luyện thép tăng cường sản xuất để tận dụng nhu cầu hiếm có của thị trường, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 4 năm nay đạt gần 98 triệu tấn.

Theo Reuters, đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 4,1% so với tháng 3 năm nay và cao hơn rất nhiều so với mức sản lượng 85 triệu tấn ghi nhận hồi tháng 4 năm ngoái.

Hơn nữa, không chỉ đạt kỉ lục về sản lượng tháng mà sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 4 còn tăng 7,5% so với tháng 3 lên 3,26 triệu tấn. Theo tính toán của Reuters, đây cũng là một mức cao trong lịch sử.

Tính chung quý I năm nay, Trung Quốc sản xuất được tổng cộng hơn 374 triệu tấn thép thô, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Qua đó có thể thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc đang tăng trưởng tốt bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh cam kết cắt giảm nguồn cung thép để hạn chế phát thải khí nhà kính và hạ nhiệt giá vật liệu thô dùng trong lĩnh vực xây dựng.

Trung Quốc vẫn ồ ạt luyện thép, giá quặng sắt lại phục hồi - Ảnh 1.

Khi biên lợi nhuận khởi sắc nhờ nhu cầu và giá thép tăng cao, các nhà máy chế biến thép tại đất nước tỷ dân lại càng mong muốn gia tăng sản lượng và tích trữ thêm nguồn cung quặng sắt, đặc biệt là trước khi Bắc Kinh siết chặt các chính sách kiểm soát thị trường thép.

"Trong bối cảnh sản lượng thép và biên lợi nhuận của các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng nhưng nguồn cung quặng ở nước ngoài lại bị hạn chế, chúng tôi dự đoán giá quặng sắt có thể dao động quanh mức hiện cho đến hết quý II. Tuy nhiên, nhìn chung giá quặng sắt vẫn khá biến động", nhóm các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho hay.

Giá quặng sắt phục hồi

Tại thời điểm 10h23 sáng ngày 17/5 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao sau trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Singapore tăng 2,4% lên 206,55 USD/tấn, trong khi giá quặng sắt trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 2%. Trong hai phiên trước đó, giá quặng sắt kỳ hạn lao dốc hơn 11%.

Giá quặng sắt bất ngờ tăng nóng vào đầu tuần trước và đạt mức cao nhất mọi thời đại vào giữa tuần, gần 240 USD/tấn. Điều này buộc các nhà chức trách Trung Quốc phải tăng cường kiểm soát lĩnh vực chế biến thép.

Hàng loạt các cơ sở luyện thép từ Đường Sơn đến Thượng Hải đã được cảnh báo không nên đồn thổi hoặc lan truyền thông tin về giá thép sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chính quyền các cấp xử lý tình trạng giá thép tăng phi mã, theo Bloomberg.

Đáp lại lời kêu gọi này, Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã nâng giới hạn biến động trong ngày đối với quặng sắt, trong khi Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải cũng bắt đầu nâng giới hạn biến động trong ngày đối với các hợp đồng thép cuộn cán nóng và thép xây dựng giao sau từ ngày 11/5.

Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh có thể can thiệp sâu hơn nhưng họ lại đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" vì chính sách đô thị hóa và mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính đến năm 2060.

Để duy trì tốc độ phát triển kinh tế, Trung Quốc cần phải tiêu thụ thêm rất nhiều thép và quặng sắt, nhưng mục tiêu về môi trường lại kìm chế sản lượng thép và do đó tác động đến nhu cầu quặng sắt, Giám đốc Philip Kirchlechner của công ty tư vấn Iron Ore Research lý giải.

Thông tin từ Reuters cho thấy gần đây các nhà thầu tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm mua thép xây dựng vì lo ngại giá thép đang bị thổi phồng quá mức. Đa phần, các công ty này sẽ chỉ mua một lượng thép đủ để tiếp tục các dự án đang khởi công, trong khi tạm hoãn các dự án chưa cần kíp để quan sát thêm diễn biến trên thị trường thép.

Nguồn: vietnambiz.vn