Giá bán buôn tăng mạnh trên toàn cầu
Giới quan sát cho hay giá bán buôn đã liên tục tăng trong khoảng từ 1-4% suốt tháng 1/2021 ở các nền kinh tế lớn trên khắp thế giới. Trong đó, giá dầu thô và kim loại tăng cao dẫn đến giá hóa chất và các sản phẩm làm từ thép "leo thang".
Theo giới quan sát, sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ, cũng như gián đoạn trong giao thông hàng hải, đã góp phần đẩy giá bán buôn lên.
Nhìn vào giá hàng hóa doanh nghiệp hoặc chỉ số giá sản xuất hiện tại ở các nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ và các nước ở châu Âu, mức tăng kể từ mùa thu năm ngoái lần lượt là khoảng 1% ở Nhật Bản và Vương quốc Anh, 2% ở Mỹ và Đức, khoảng 3% ở Nga và 4% ở Pháp.
Thậm chí, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp ở Mỹ, Đức, Nga và Pháp đã vượt mức ghi nhận vào tháng 1/2020, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ.
Theo giới quan sát, giá dầu tăng là yếu tố hàng đầu đẩy các chỉ số này đi lên. Việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 và các gói kích thích kinh tế ở nhiều quốc gia khác nhau cũng giúp gia tăng kỳ vọng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ phục hồi.
Trong khi đó, các nước sản xuất dầu lớn vẫn tiếp tục phối hợp cắt giảm sản lượng. Giới đầu tư cũng đặt cược vào thị trường hàng hóa trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn vào khoảng 60 USD/thùng, cao hơn so với hồi tháng 1/2020.
Giá dầu tăng mạnh cũng tràn sang lĩnh vực hóa dầu và các nguyên vật liệu liên quan khác, khiến nhiều công ty phải điều chỉnh giá bán của mình.
Mặt khác, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, giá polypropylene - một loại polymer nhiệt dẻo được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm bao bì, hàng dệt may và phụ tùng ô tô - đã tăng hơn 10% tại thị trường châu Á so với đầu năm 2021. Diễn biến này đã dẫn đến sự thiếu hụt nhựa resin ở châu Âu.
Trong khi đó, giá đồng trên thị trường quốc tế đang ở mức cao nhất trong khoảng 9 năm rưỡi, còn giá quặng sắt cũng tăng vì Trung Quốc đẩy mạnh mua vào mặt hàng này.
Giới phân tích cho hay mức tiết kiệm của hộ gia đình đã tăng lên ở các nền kinh tế phát triển kể từ khi đại dịch bùng phát. Với việc các chính phủ triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế, như gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ, hoạt động tiêu dùng có thể tăng đáng kể trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu giá nguyên vật liệu tăng cao và tác động đến giá sản phẩm cuối cùng, nó có thể làm giảm hoạt động tiêu dùng của người dân.
Mặt khác, nếu tiêu dùng tăng mạnh và thúc đẩy lạm phát, lãi suất dài hạn có thể "leo thang" hơn nữa. Một số nhà kinh tế cho biết các thị trường tài chính có nguy cơ chịu nhiều xáo trộn bởi lạm phát của nền kinh tế cao hơn dự kiến.
Nguồn: vietnambiz.vn